Trồng rau hữu cơ an toàn cho sức khỏe gia đình và góp phần bảo vệ môi trường bền vững
Thực phẩm hữu cơ ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Tuy nhiên giá thành của thực phẩm hữu cơ lại khá đắt đỏ bởi quy trình sản xuất cũng như năng suất không được cao so với các phương pháp trồng thông thường. Vì vậy, thay vì phải "rút ví" để mua sản phẩm hữu cơ, bạn hãy bắt đầu bằng cách trồng các loại rau củ quả theo phương pháp hữu cơ đơn giản trong bài viết để vừa tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng như giúp mọi người thêm nguồn thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày.
1. Tự làm thuốc trừ sâu bệnh
Nếu bạn trồng rau trong vườn hay trên sân thượng, khi rau bị bệnh, bạn mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu đồng nghĩa với việc mọi người trong gia đình sẽ hấp thụ một lượng không nhỏ các chất hóa học gián tiếp qua cây trồng. Vì vậy, hãy tìm hiểu những công thức làm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ để có thể yên tâm hơn khi cây trồng bị sâu bệnh vẫn có cách chữa kịp thời mà hoàn toàn không có sự tác động của các chất hóa học.
2. Lên kế hoạch làm phân bón
Rau củ quả sẽ tốt tươi và năng suất hơn khi được bón phân hợp lý cũng như trộn phân vào đất tạo thành phần dinh dưỡng chính để nuôi cây. Chính vì vậy, trước khi trồng bạn cần lên kế hoạch rõ ràng về việc sẽ làm phân bón như thế nào, cách thức làm ra sao, cần mua những gì? Thông thường, nếu sử dụng phân bón hóa học, rau của bạn trồng không còn là rau hữu cơ.
Vì vậy, bạn có thể tự làm phân bón bằng rất nhiều nguồn như gốc rau của vụ trước, từ đầu cá, mai cua, vỏ trứng, cà phê…, từ các loại vỏ hoa quả, hay từ phân của các loài động vật như bò, gà… đã được ủ hoai mục theo đúng quy trình. Tùy vào điều kiện để bạn chọn cho mình một phương thức phù hợp để sẵn sàng cho việc trồng rau hữu cơ.
3. Cần chọn nơi nhiều nắng
Cây trồng theo phương pháp hữu cơ cần đặc biệt chú ý đến việc hấp thụ ánh nắng mặt trời. Cần đảm bảo nơi trồng cây, trồng rau nhận được đầy đủ từ 5 – 6 giờ nắng mỗi ngày giúp cây luôn khỏe mạnh và hạn chế sâu bệnh.
4. Xem xét việc thiết kế bể nước mưa
Sẽ thật tuyệt vời nếu ngay cạnh nơi trồng rau có sẵn một bể nước mưa. Tận dụng từ chính thiên nhiên vừa giảm chi phí trong việc trồng trọt vừa đảm bảo thực phẩm sạch 100% khi thu hoạch. Nước máy cũng chứa một lượng hóa chất không nhỏ, chi phí lại khá cao khi duy trì nước tưới hàng ngày cho cây, đặc biệt là khi nắng nóng kéo dài. Hãy khéo léo lắp đặt vòi tưới ở bể nước mưa để việc tưới nước cho cây trồng dễ dàng hơn.
5. Chuẩn bị đất trồng
Bên cạnh phân bón thì việc chuẩn bị đất cũng vô cùng quan trọng. Trước khi trồng rau, bạn cần tìm hiểu về nguồn gốc đất trồng sẽ mua. Nên mua đất phù sa hoặc đất thịt. Khi mua về bạn có thể xử lý để hạn chế sâu bệnh, diệt mầm mống bệnh hại cây. Bên cạnh đó, có thể bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng cách sử dụng thêm mùn hữu cơ từ vỏ cây, gỗ dăm hay cỏ trộn vào đất trước khi trồng.
6. Chọn hạt giống
Hạt giống quyết định 50% năng suất gieo trồng. Vì vậy, bạn nên chọn những hạt giống của các công ty uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, cần tránh những hạt giống biến đổi gen để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.
7. Quy hoạch vị trí trồng rau
Dù trồng trên diện tích hạn chế hay rộng rãi, bạn cũng cần quy hoạch vị trí trồng rau để vườn rau được dễ dàng phát triển tươi tốt. Bạn nên trồng rau theo mùa và trồng ít loại rau để có thể tập trung chăm sóc và có rau để ăn thường xuyên.
8. Trồng những loại cây có khả năng đuổi côn trùng, sâu bệnh
Khi trồng rau hữu cơ, chắc chắn những vị khách không mời mà đến sẽ khiến bạn đau đầu khi tìm cách xử lý. Để hạn chế tối đa các loại sâu bệnh, côn trùng hại cây, bạn có thể trồng xen kẽ những loại cây xua đuổi côn trùng như hoa oải hương, hoa cúc, cà chua, hương thảo… Một khu vườn hữu cơ là khu vườn đa dạng cây cối và cân bằng giữa cây trồng và các loại côn trùng.
A Trả lời
22/08/2018Gghj